Ông Bùi Xuân Dũng – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) – cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách của Nhà nước hầu như chưa thực hiện được do nguồn lực tài chính của Trung ương và địa phương còn hạn chế.
Chiều 20.4, Bộ Xây dựng tổ chức lễ bàn giao sản phẩm dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030’’ do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
Tại đây, ông Bùi Xuân Dũng – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – cho biết, Chương trình phát triển nhà ở xã hội được Chính phủ đặc biệt quan tâm và người dân đánh giá cao, đồng tình, ủng hộ, tuy nhiên, kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Đến nay, địa bàn cả nước đã hoàn thành khoảng 250 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng hơn 100.000 căn, với tổng diện tích hơn 5.200.000m2, đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra.
Việc chưa đạt được mục tiêu đề ra theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 là do nhiều yếu tố, trong đó theo ông Dũng có 02 nhóm nguyên nhân chủ yếu là: Thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án và thiếu nguồn lực về tài chính, tín dụng để phát triển.
Về thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội, ông Dũng cho rằng, một số địa phương khi quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Thậm chí, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng ở tại các vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng… dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội…
Trong khi đó, về thiếu nguồn lực tài chính, tín dụng để phát triển nhà ở xã hội, vị lãnh đạo này nói: Trong giai đoạn 2016-2020, ngân sách để phát triển nhà ở xã hội bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội rất ít, khoảng 2.200 tỉ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu. Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí.
Ông Dũng nói thêm, việc phát triển nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách của Nhà nước hầu như chưa thực hiện được do nguồn lực tài chính của Trung ương và địa phương còn hạn chế.
====================
Đề xuất sửa đổi cho phù hợp
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã tham khảo các đề xuất của các chuyên gia để sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với thực tiễn.
Trong thời gian tới, khi đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Xây dựng cũng sẽ tham khảo các kinh nghiệm của phía Hàn Quốc trong phát triển nhà ở xã hội và nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá các kết quả của dự án, làm cơ sở để rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, đáp ứng sự kỳ vọng của nhóm đối tượng này.