Sáng 2-12, vừa bước vào dãy nhà trọ trên địa bàn quận 12, TP.HCM, PV Pháp Luật TP.HCM tưởng chừng đi vào khu vực bày bán quần áo muôn màu, muôn kiểu.
“Đông người trọ nên quần áo phơi đầy ngoài trời. Nắng thì đỡ, quần áo mau khô. Ngày nào mưa dai dẳng thì không có chỗ phơi vì quần áo quá nhiều” – chị TTH (36 tuổi) nói.
Vợ chồng chị H cùng quê Tiền Giang, dắt díu lên TP.HCM làm việc đã được sáu năm. “Vợ chồng tôi cùng làm công nhân trong khu công nghiệp lương tháng cả hai gần 15 triệu đồng. Tằn tiện lắm vợ chồng tôi với hai con còn đi học mới trụ nổi tới ngày hôm nay” – chị H chia sẻ.
Do dành dụm đồng nào hay đồng nấy nên vợ chồng chị H chỉ dám thuê phòng trọ 2,5 triệu đồng mỗi tháng, điện, nước tính riêng. Phòng nhỏ nên bất tiện trong nấu nướng, nghỉ ngơi… “Đâu chỉ vậy, nhiều ông ở trọ gần bên tụ tập nhậu nhẹt, nói chuyện om sòm suốt đêm nên không ngủ được. Đôi dép, cái áo bị mất trộm thỉnh thoảng xảy ra khiến những người cùng khu nhà trọ nghi kỵ lẫn nhau. Nói thiệt, nếu tiền bạc dư dả chút đỉnh, vợ chồng tôi tìm nhà trọ riêng lẻ để thuê cho đỡ phức tạp” – chị H cho biết.
Đồng cảnh ngộ, vợ chồng anh NMC (38 tuổi, quê Đồng Tháp) gặp không ít phiền toái khi đang ở trọ trên địa bàn quận Bình Tân, TP.HCM.
Do ở trọ trong căn phòng không tới 20 m² nên việc sinh hoạt hằng ngày của vợ chồng anh C và hai đứa con rất tù túng. Bạn bè ngỏ ý tới nhà chơi, anh C tìm nhiều lý do từ chối. “Chưa hết, những người ở trọ quăng bừa rác rến ra lối đi chung, chó nuôi chạy qua nhà trọ kế bên “ị” trước cửa, thuê dàn loa hát cả ngày khiến nhà trọ kế bên không thể nghỉ trưa… Xích mích giữa những người ở cùng khu trọ dẫn đến cãi nhau hầu như tuần nào cũng có. Còn nữa, do môi trường khu ở trọ không sạch sẽ, không đảm bảo vệ sinh nên nguy cơ các loại dịch bệnh rất dễ xảy ra” – anh C nói.
“Mong TP.HCM quan tâm nhiều tới cuộc sống của những công nhân nghèo như vợ chồng chúng tôi. Nếu được ở trong những nhà trọ rộng rãi, giá rẻ, môi trường sạch sẽ…, công nhân sẽ vui lắm” – anh C trải lòng.
Tháng 9 năm sau công nhân có nhà khang trang, giá rẻ để ở Theo kế hoạch thực hiện các dự án thí điểm, TP.HCM sẽ xây dựng nhà lưu trú công nhân có thời hạn theo hình thức lắp ghép tại khu đất phường Tân Hưng, quận 7 và xây dựng NƠXH cho công nhân tại khu tái định cư 15 ha thuộc xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Từ tháng 4 đến tháng 9-2022, TP.HCM tổ chức triển khai thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng. |
Lên kế hoạch xây nhà ở xã hộicho công nhân
“Sau dịch COVID-19, người lao động (NLĐ) ở các tỉnh đã lên TP.HCM làm việc nên những khu nhà trọ đông đúc trở lại. Hầu hết NLĐ mong muốn có chỗ ở trọ khang trang, tiền thuê phù hợp để ổn định cuộc sống, đảm bảo sức khỏe, hạn chế dịch bệnh. Vì thế, TP.HCM cần có chính sách xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho NLĐ. Tuy nhiên, đa phần NLĐ không đủ tiền để mua. Do vậy, NƠXH nên cho NLĐ thuê với giá ưu đãi”.
Bà Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, đưa ra quan điểm trên tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM về nhu cầu an sinh xã hội, NƠXH của người dân, NLĐ, công nhân sau dịch COVID-19, được tổ chức sáng 1-12.
Trong buổi giám sát, đại diện Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng trình bày dự thảo kế hoạch đảm bảo an sinh xã hội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP. “Mục đích của dự thảo kế hoạch là đảm bảo phương án hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại TP.HCM. Bên cạnh đó, giải quyết việc làm cho NLĐ và tạo điều kiện cho NLĐ an tâm trở lại làm việc” – vị đại diện nói.
Theo dự thảo kế hoạch, TP.HCM sẽ có chương trình hỗ trợ nhà ở cho NLĐ. Để thực hiện chương trình này, TP.HCM tổ chức khảo sát điều kiện sinh sống, nhu cầu nhà ở của công nhân làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, kể cả công nhân làm việc ngoài các khu công nghiệp.
“TP.HCM cũng sẽ cung cấp các dịch vụ NƠXH, khu lưu trú tập thể để cung ứng theo nhu cầu của NLĐ và phù hợp với việc di chuyển của NLĐ khi tham gia hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, xây dựng đơn giá cho thuê phù hợp với từng loại nhà lưu trú và điều kiện sống của NLĐ trên địa bàn TP” – vị đại diện bổ sung.
Đề cập đến NƠXH cho công nhân, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã trình bày dự thảo kế hoạch xây dựng NƠXH, nhà ở lưu trú cho công nhân lao động trên địa bàn TP.
Kết quả khảo sát đến tháng 9-2020 cho thấy tổng cộng 2,6 triệu NLĐ đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Trong đó, khoảng 70% công nhân cư trú ở các địa phương khác đến làm việc tại TP.HCM có nhu cầu về chỗ ở, tương ứng 280.000 chỗ ở.
“Trong khi đó, hiện trạng quỹ nhà lưu trú công nhân trên địa bàn TP.HCM đã được đầu tư xây dựng lũy kế đến cuối năm 2020 đáp ứng khoảng 40.000 chỗ ở. Như vậy, nhu cầu phát triển nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 240.000 chỗ ở” – vị đại diện cho biết.
Đưa ra những giải pháp để nâng cao đời sống cho người lao độngMục đích buổi khảo sát nhằm đánh giá thực tế và nắm bắt nhu cầu NƠXH của NLĐ sau dịch COVID-19. Từ đó, kịp thời đưa ra những giải pháp và chính sách để nâng cao đời sống cho NLĐ. Xây NƠXH cho công nhân thuê với giá ưu đãi là đề xuất rất phù hợp với tình hình đời sống thực tế của đa phần công nhân hiện nay. HĐND TP.HCM sẽ lưu ý đề xuất này và sớm làm việc với các đơn vị liên quan. Ông CAO THANH BÌNH, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐNDTP.HCM |
nguồn:cafeland.vn